Gần đây, các quốc gia trong Liên minh châu Âu đã đưa ra câu hỏi về sự bất thường trong hoạt động lãnh sự của Ba Lan, dẫn đến việc cấp visa (thị thực) lao động hàng loạt cho những người nước ngoài đến từ các quốc gia có mối đe dọa khủng bố với khối Schengen.
Vào ngày 31 tháng 8 vừa qua, các đặc vụ của Cục Chống tham nhũng Trung ương Ba Lan (CBA) đã bắt đầu cuộc điều tra nhắm vào Bộ Ngoại giao nước này. CBA đã thẩm vấn toàn bộ ban lãnh đạo cơ quan lãnh sự, thu giữ các thiết bị và vật chứa dữ liệu từ văn phòng của Piotr Wawrzyk, Thứ trưởng bộ Ngoại giao Ba Lan, thành viên đảng PiS kiêm ứng cử viên quốc hội trong cuộc bầu cử năm nay. Cùng ngày, Piotr Wawrzyk đã bị Thủ tướng Ba Lan cách chức.
Trong Bộ Ngoại giao Ba Lan, bộ phận mà CBA quan tâm nhất là Trung tâm Quyết định Thị thực. Họ đã thu thập được tài liệu về sự hợp tác giữa trung tâm này và một công ty tên là VFS Global.
Công ty VFS Global có vai trò gì?
Trung tâm Quyết định Thị thực mới được Bộ ngoại giao Ba Lan thành lập vào tháng 4 năm 2023, vốn dĩ nhằm hỗ trợ việc cấp visa cho người lao động tạm thời từ khoảng 20 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia Hồi giáo. Trung tâm này đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người nhập cư đến châu Âu thông qua các trung gian tuyển dụng lao động tạm thời.
Còn VFS Global là một công ty ở Ấn Độ, được giới thiệu là “chuyên về dịch vụ công nghệ liên quan tới thị thực cho 70 chính phủ và cơ quan ngoại giao trên toàn thế giới.” Nhiều người nhầm tưởng công ty này là đại diện chính thức cho lãnh sự các nước. Trên thực tế, vai trò của VFS chỉ xoay quanh việc làm trung gian xin thị thực và hỗ trợ hoàn thành đơn xin thị thực.
Vấn đề là người ta không thể nộp hồ sơ xin visa theo bất kỳ cách nào khác ngoài việc đi qua dịch vụ của VFS. Báo chí Ba Lan cho biết, VFS đã dùng Bot (ứng dụng phần mềm tự động thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại qua mạng) để chặn không cho người ngoài hoàn thành đơn xin visa qua mạng, từ đó độc quyền cơ hội. Chưa hết, những ai không nộp được đơn xin visa sẽ được nhân viên VFS liên hệ và “hỗ trợ” với mức phí từ 500 EUR đến 800 EUR.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao khẳng định cơ quan này không hề có bất cứ hợp tác nào với công ty VFS Global. Thay vào đó, bảy cơ quan đại diện ngoại giao của Ba Lan ở các nước Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc mới có hợp đồng với VFS, ký kết dựa trên cơ sở chi tiêu công.
Bê bối cấp thị thực ở châu Phi
Nhân vụ này, tờ Rzeczpospolita còn đề cập đến vụ bê bối “mua” thị thực Ba Lan ở một quốc gia châu Phi cách đây hai năm. Thị thực có thể được mua trực tiếp tại đại sứ quán, người mua thị thực chỉ cần nhập tên là có ngay. Sau khi thanh tra, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã đình chỉ cấp thị thực tại đây. Dưới sự can thiệp của các chính trị gia địa phương, sau một thời gian, thị thực mới được phép cấp trở lại ở nước này.
Vì đâu các nước EU “nghi ngờ” visa của Ba Lan?
Kể từ năm 2021 đến năm 2023, Ba Lan đã cấp thị thực lao động cho khoảng 350.000 người, trong số đó có 250.000 người đến từ Pakistan, Bangladesh, Iran, Iraq hoặc Nigeria. Có khả năng nhiều trong số các visa này được cấp một cách bất hợp pháp.
Hầu hết những người xin được visa lao động vào Ba Lan đều đi sang Đức và các nước Tây Âu khác.
Hệ quả là trong những tháng gần đây Đức đang kêu gọi áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát ở biên giới Ba Lan-Đức. Ngay trong tháng 5, các cơ quan của Liên minh Châu Âu cũng đã công bố việc giám sát hoạt động của các cơ quan tuyển dụng trung gian.
Quê Việt
Tổng hợp